KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ
Khủng Hoảng Tâm Lý Và Phòng Chống Khủng Hoảng Tâm Lý Ở Tuổi Mới Lớn
Dậy thì là dấu mốc quan trọng của đời người. Từ một cậu bé, cô bé bỗng chốc vụt lớn nhanh để trở thành chàng trai, cô gái phổng phao, sẵn sàng các thiên chức của người lớn. Khi đến tuổi dậy thì, những đứa trẻ sẽ trải qua hàng loại những biến đổi về cả tâm lý và sinh lý. Nhiều khi sự thay đổi ấy khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân. Nhất là trong xã hội hiện nay, nếu các bậc phụ huynh không tiếp cận và cung cấp cho con cái trong độ tuổi này những kiến thức, kỹ năng nhất định và không có sự quan tâm, giáo dục đúng hướng, trẻ có thể mắc những hội chứng khủng hoảng tâm lý.
Hội chứng tự ti
Ở lứa tuổi giở trẻ em, giở người lớn này, các em thường ngơ ngác, không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận bản thân mình. Thế nhưng mình muốn gì thì các em cũng không hiểu nổi. Nhiều em tự nghĩ mình kém cỏi, tự ti và mất bình tĩnh. Tự ti dần dần khiến trẻ trở nên e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ, nghi ngờ khả năng của bản thân, thường lấy ưu điểm của người khác so sánh với mình. Chính vì những suy nghĩ này, các em dễ sinh ra chán nản, không phát huy được sở trường vốn có. Việc học hành vì thế cũng sút kém. Chỉ một thất bại nho nhỏ đã khiến các em mất cân bằng tâm lý, nhạy cảm với lời nói của người khác, cho rằng họ cười nhạo mình. Một số trường hợp luôn nghĩ mình yếu kém nên tìm cách né tránh giao tiếp hoặc gặp chuyện gì khó là co mình lại, thoái thác tham gia... Đối với sức khỏe, tự ti sẽ khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi thường xuyên, thừa cân... Đây chính là nền tảng đẩy các em rơi vào những hội chứng tâm lý khác như: trầm cảm , hoang tưởng...
Rối loạn tâm lý và hành vi
Ở tuổi dậy thì, các em có rất nhiều thay đổi về tâm lý, trạng thái tâm lý không ổn định. Vì thế, chỉ một chút thay đổi cũng khiến các em lúng túng đôi khi có những suy nghĩ và hành động cực đoan. Áp lực về học tập thi cử ở lứa tuổi này cũng dày, một số bạn thường xuyên thức khuya học bài. Hơn nữa, do cậy có sức khỏe nên nhiều em ăn uống và sinh hoạt thất thường, các bạn nữ sợ béo còn kiêng khem quá mức. Những điều này càng khiến cho sức khỏe của các em suy giảm. Các biểu hiện dễ thấy nhất của rối loạn tâm lý là biếng ăn, kém ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, suy nghĩ lệch lạc, học tập giảm sút... Nặng hơn là nói lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ...
Giai đoạn dậy thì, các em cứ ngỡ mình là người lớn, thích khám phá mọi thứ, nhưng thực ra suy nghĩ của các em còn non nớt, định hình về xã hội chưa toàn diện nên dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm... Ngay với người thân và thầy cô, các em cũng sẵn sàng bộc lộ sự chống đối, không phục tùng, hỗn láo, như là bản năng sẵn có. Điều đáng ngại ở lứa tuổi này là do những rối loạn tâm lý và hành vi cộng với sự thiếu hiểu biết, tâm lý không vững vàng nên dễ bị lôi kéo, a dua dẫn đến phát triển lệch lạc giới tính tuổi dậy thì.
Tuổi dậy thì rất dễ mắc phải những rắc rối về tâm lý, cha mẹ cần quan tâm và động viên các em
Hội chứng rối loạn cảm xúc
Những biến đổi tâm lý khiến các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn. Rối loạn cảm xúc xảy ra khi có tình trạng rối loạn tại não bộ gây nên những bất ổn về tinh thần như chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang cảm xúc ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, thoắt buồn thoắt vui. Biểu hiện của rối loạn cảm xúc là chán ăn (dù đang đói), mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên, vẻ mặt không tươi tắn... Các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không ai giải thích điều này các em càng hoang mang hơn, suy nghĩ càng nặng nề hơn... Những áp lực về tâm lý của các em nếu không có người giúp giải tỏa thì về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên, khiến các em có thể bị rối loạn hành vi và rối loạn tâm thần.
Stress và trầm cảm
Stress là căn bệnh của thời đại, gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là tuổi dậy thì. Theo các chuyên gia tâm lý, độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè...Thậm chí, cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay trình độ cá nhân, những mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình... cũng dẫn đến stress. Khi rơi vào trạng thái stress, các em cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, đau đầu, suy nghĩ luẩn quẩn, giấc ngủ không yên... Chính vì vậy, kết quả học tập của các em thường giảm sút, sức khỏe cũng yếu hơn so với các bạn bình thường.
Trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp với nhiều triệu chứng như buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bi quan, sống thu mình, ngại giao tiếp với bạn bè và người thân... Rối loạn này thường dễ mắc phải ở lứa tuổi dậy thì do những thay đổi từ lượng hormon trong cơ thể, áp lực từ xung quanh, từ học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè hay cả từ các chất kích thích... Khi bị trầm cảm, các em thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, nhiều bạn chỉ quan tâm và sống trong thế giới “ảo”. Điều này khiến cho cuộc sống của các em trở nên nhàm chán, u ám, mất hi vọng vào tương lai, thiếu niềm tin và ý chí... Nguy hiểm hơn, stress và trầm cảm ở tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử. Vì thế, cha mẹ, người thân cần lưu ý và phát hiện sớm để có thể can thiệp kịp thời.
Phòng chống các biến đổi tâm lý tiêu cực ở tuổi dậy thì
Điều quan trọng là cha mẹ và người thân nên gần gũi con nhiều hơn ở giai đoạn dậy thì. Khi thấy con có biểu hiện tâm lý khác lạ, cha mẹ nên tâm sự tìm cách giúp đỡ con, không la lối, nhiếc mắng, con sẽ không bộc lộ bản thân. Cha mẹ nên là người bạn thân nhất của con. Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cha mẹ cũng có thể tìm hiểu các thông tin về các cách nhận biết khủng hoảng tâm lý và nhờ các chuyên gia tư vấn tâm lý để được tư vấn về các lĩnh vực như tư vấn tâm lý tuổi mới lớn, tư vấn cách giáo dục con… Nếu thấy diễn biến tâm lý của con ngày càng theo chiều hướng tiêu cực hơn, cần đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp thời.
Nguồn Hồ Lâm Giang st
Bài viết cùng danh mục
-
CHA MẸ TRƯỞNG THÀNH
-
TÂM SỰ CỦA "BỌN" TEEN KHÓ Ở
-
KHI THẾ GIỚI THỰC QUÁ CÔ ĐƠN VÀ THIẾU SỰ THẤU HIỂU
-
Câu chuyện của một người mẹ có con tuổi Teen