CHA MẸ TRƯỞNG THÀNH
CHA MẸ TRƯỞNG THÀNH
Làm cha mẹ là một hành trình nhiều thử thách. Cuộc hành trình này chúng ta không biết trước những gì mình phải đối diện, chúng ta không biết trước chặng đường nào có nguy hiểm. Chúng ta nhiều khi phải chấp nhận mất mát, sự đau lòng, cũng có khi vỡ oà trong hạnh phúc.
...
Trong hành trình học cách làm cha mẹ trưởng thành, có những khi, con chúng ta va vấp phải những trở ngại, những điều ta cho là “xấu”, vì muốn bảo vệ con, mà ta tiến hành kỷ luật, kiểm soát, thậm chí tấn công để nó từ bỏ những điều ta không muốn. Câu chuyện này thoáng nghe thì rất logic, nhưng về mặt nào đó, lại thiếu tính thực tế. Đó là lý do, con nghiện game, càng cấm càng thêm nghiện, con nghiện mạng xã hội, lại càng thêm nghiện, nghiện đến quên ăn, chán học, thậm chí chẳng thiết thứ gì nữa.
Thay bằng việc, chỉ trích hành động đó là xấu, là không tốt, có lẽ bố mẹ nên tự hỏi, là tại sao nó lại chọn làm điều đó, hành vi đó mang lại cho nó được điều gì? Game có thể là một trò chơi giải trí hay, nhưng nó cũng có thể là cách trốn tránh hiện thực của một đứa trẻ cô đơn, hoặc là cách thoát khỏi bế tắc đứa trẻ không thể giải quyết.
Mỗi khi một đứa trẻ gặp vấn đề, nó cần được giúp đỡ. Nhưng thường, khi con gặp vấn đề, chúng ta lại thường 'tấn công' nó, thay vì 'cùng nó' chống lại vấn đề nó đang gặp phải. Theo lẽ thường, thay vì cần thời gian để nhận ra, đối diện và giải quyết vấn đề của nó đang gặp phải, nó sẽ chuyển hướng tấn công vào chúng ta. Cuộc chiến này, nếu chúng ta chiến thắng, thì khả năng khiến mối quan hệ của chúng ta và nó đứt gãy, hoặc khiến nó lớn lên với một vết thương và nhiều sự mất mát. Còn nếu nó thắng, bản thân nó liệu sẽ sống được là mình nhưng áy náy vì đã khiến bố mẹ suy nghĩ, hay như một chiếc xe mất phanh giữa cuộc đời.
Tôi nghĩ, điều tôi có thể làm được cho con mình, đó là sự thấu hiểu cho con, tôi đã bỏ được gánh nặng mà xã hội kỳ vọng về mình và con. Con có thể lớn lên là một chàng trai không thông minh tài giỏi như xã hội kỳ vọng, con cứ là một người yêu thích việc học, sống cuộc đời có ý nghĩa, hạnh phúc, con được là con, có thể chấp nhận và yêu thương bản thân mình.
Đứng trước ngưỡng kỳ thi vào cấp 3 công lập ở Hà Nội, chúng tôi vui vẻ lựa chọn trường vừa sức nhất. Đó có thể không phải là trường top giỏi nhất, nhưng cần là trường phù hợp nhất với con. Kỳ thi này không nhiều áp lực từ bên ngoài mà xuất phát từ khát khao vượt lên chính mình của con.
Nếu thành công, mẹ chúc mừng con, còn nếu chưa được như ý, con sẽ có được bài học cho mình, về cái mình muốn và cái mình xứng đáng cần phải tương xứng với nhau, về việc học cách “thua một trận đánh để thắng một trận chiến” là như thế nào. Đó là những bài học, mà mẹ đã thuộc lòng trong chặng đường phát triển của mình. Niềm tin của con chim đậu cành cong, không phải ở cành cây, mà ở chính đôi cánh của nó!.
Nếu để đánh đổi sự ca ngợi, tung hô, sự phát triển trong công việc, sự nghiệp của mình, lấy sự tự do và được là mình của con, thậm chí là tuổi thơ hạnh phúc của con, thì chắc chắn tôi không bao giờ đánh đổi.
....
Thực sự là tôi cảm thấy biết ơn hành trình hỗ trợ các con tuổi Teen những vấn đề về tâm lý giáo dục, để thấy được mặt trái của kỳ vọng, của những đứa trẻ là vật trang sức cho sự thành công của bố mẹ, là những tổn thương, là những sự ám ảnh, hoang mang, khủng hoảng chẳng bao giờ lành lại được.
Trong những nghiên cứu gần đây, con cái những người tương đối thành công, có vị trí, hoặc sự ảnh hưởng trong xã hội, chính là nhóm đối tượng gặp nhiều vấn đề về tinh thần nhất (Vui lòng đọc thêm cuốn: “Cái giá của đặc quyền” của Madeline Levine). Và thứ khiến mọi vấn đề trở nên trầm trọng, chính là việc bố mẹ của chúng rất ít người dám thừa nhận vấn đề của mình, chấp nhận sự không hoàn hảo của con mình.
Gần đây, tôi có duyên hỗ trợ hai trường hợp, là con của một người hiệu trưởng, và một người hiệu phó ở hai trường trung học khác nhau. Việc những người có vị thế, tầm ảnh hưởng “dám đối diện” và nhờ hỗ trợ vấn đề của con mình khiến tôi vô cùng trân trọng họ. Nó nói lên việc, tình yêu với con cái của họ đã khiến họ vượt lên được mọi thứ, kể cả một hình tượng đẹp, kể cả sự suy xét của xã hội, kể cả việc bị đánh giá, đàm tiếu… Đây là một quyết định đòi hỏi sự hy sinh, sự chịu đựng, nhưng thực sự cao cả. Họ dám hy sinh bản thân, chấp nhận tổn thương, để con mình được thực sự sống. Nhiều năm về sau, khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi tin họ và con họ sẽ biết ơn, vì những gì họ đã làm ngày hôm nay.
Tôi có nghe đâu có một câu chuyện, khi người mẹ giằng giật đứa con của mình với một người khác. Nhưng nếu cứ tiếp tục, đứa trẻ sẽ bị xé đôi. Người mẹ khi này lựa chọn buông tay, để con mình được lành lặn sau đó mới tìm cách khác đưa nó về. Lúc đó, họ có thể đau đớn, nhưng con họ được bảo toàn.
Tương phản với những người dám đối diện với sự không hoàn hảo của mình, của con mình, tôi cũng gặp những người “được đánh giá là thành công” trong xã hội, họ “không chấp nhận con mình là đứa trẻ không hoàn hảo”. Và khi, con đã có những dấu hiệu cần sự hỗ trợ của tâm lý và y học, họ cũng không thể thừa nhận và đối diện vấn đề của nó. Với những đứa trẻ như vậy, tự dưng tôi thấy buồn vô cùng.
Tôi nghĩ, may mắn hơn chăng, nếu nó được sinh ra trong ra đình nghèo khó, nhưng bố mẹ yêu thương và chấp nhận con. Sự giàu có, sự dư thừa của vật chất, sẽ chẳng bao giờ bù đắp được sự thiếu thốn về tinh thần.
Có lẽ, để học được bài học về sự yêu thương đúng cách, những người bố người mẹ sẽ còn phải trả “học phí” rất nhiều, tiếc là cái giá này, không ai muốn trả, bởi nó phải đánh đổi bằng chính con cái của mình.
Hành trình làm cha mẹ, là hành trình vấp ngã, rồi đứng dậy, trái tim nhiều vết thương, tâm trí nhiều lo nghĩ, hành trình này không dành cho người nghèo tình cảm, hành trình này đòi hỏi nhiều tình yêu thương, sự bao dung, sự chấp nhận. Đây chẳng phải hành trình dễ dàng đâu, cũng không phải hành trình đầu tư để sinh lời cho tương lai, hành trình này là cuộc hành trình “Trưởng thành” của mỗi người, từ cái tôi tới cái ta , từ cái vì mình tới vì người khác, hành trình từ được nhận sự hy sinh tới biết hy sinh vì người khác.
Tư tưởng này bạn sẽ thấy trong sách “Cha mẹ Trưởng Thành” - T.S Hồ Lâm Giang (2024)
P/S Quan điểm của con người vốn mang tính chất chủ quan và cá nhân, nếu chia sẻ này phù hợp với bạn, mình xin cảm ơn, nếu không phù hợp, xin bạn hãy bỏ qua.
Bài viết cùng danh mục
-
TÂM SỰ CỦA "BỌN" TEEN KHÓ Ở
-
KHI THẾ GIỚI THỰC QUÁ CÔ ĐƠN VÀ THIẾU SỰ THẤU HIỂU
-
Câu chuyện của một người mẹ có con tuổi Teen
-
KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ